Đếm ngày chờ hưu dù thừa năm đóng BHXH

Theo quy định hiện hành, lao động nam muốn hưởng lương hưu tối đa 75% phải đóng đủ 35 năm BHXH, nữ đủ 30 năm. Nếu nghỉ hưu sớm sẽ bị khấu trừ 2%/năm. Còn nếu đóng thừa thời gian, người lao động (NLĐ) nhận khoản trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm thừa.

Đi làm từ năm 20 tuổi, đến nay anh Nguyễn Mạnh K., công nhân tại Khu công nghiệp Sài Đồng (Hà Nội), đã tham gia BHXH 27 năm. Nếu theo đúng lộ trình tuổi nghỉ hưu, anh K. sẽ phải tiếp tục làm việc thêm 14 năm nữa. Anh chia sẻ: "Từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của NLĐ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Với NLĐ ở khu vực sản xuất, để đóng đến 35 năm thì cũng đã sức cùng lực kiệt, huống chi phải làm tiếp đến 62 tuổi mới được về hưu. Khi NLĐ đủ 35 năm đóng BHXH, không còn thiết tha với công việc thì cũng nên có chính sách tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH sớm được về hưu, cũng là để tạo cơ hội cho người trẻ có việc làm".

Không chỉ lao động ở khu vực sản xuất, nhiều lao động nữ ở khu vực nhà nước cũng mong mỏi đề xuất này được thông qua. Chị Trần Thị H. (54 tuổi, nhân viên văn phòng tại một doanh nghiệp nhà nước) cho hay thực tế có rất nhiều cán bộ, viên chức đóng dư BHXH rất nhiều năm so với quy định nghỉ hưu, nhưng nếu nghỉ trước khi đến tuổi hưu thì bị trừ 2%/năm, rất thiệt thòi.

Nhiều cán bộ công đoàn, chuyên gia kiến nghị cho NLĐ được hoán đổi số năm đóng BHXH thừa để về hưu sớm

Chị H. bày tỏ: "Trước đây, những lao động tuổi gần về hưu như chúng tôi được ưu ái giao việc nhẹ nhàng chờ ngày nhận sổ hưu. Bây giờ, tuổi nghỉ hưu tăng lên, doanh nghiệp khó khăn hơn, chúng tôi phải làm việc nhiều hơn. Dù đã đóng BHXH 33 năm, dư 3 năm so với quy định, sức khỏe thì giảm sút, không còn động lực để phấn đấu mà vẫn cứ phải cố chờ thêm 3 năm nữa mới được về hưu. Nếu xin về hưu sớm thì bị trừ 2% lương hưu. Giá như nhà nước cho hoán đổi 3 năm đóng thừa BHXH thì tốt biết mấy".

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo luật BHXH sửa đổi do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, đưa ra đề xuất cho NLĐ được hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu. Đây là lần thứ ba trong vòng 1 năm qua, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đề cập vấn đề này.

"Nhiều công nhân lao động đi làm khi tuổi còn rất trẻ, hiện nay đã thừa năm đóng BHXH để được hưởng 75%, nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu nên khi về hưu sớm họ phải nhận mức lương hưu thấp. Nhiều năm nay, NLĐ đã gửi gắm ý kiến này với tha thiết nhất là được bù đắp năm đóng BHXH cho số năm thiếu tuổi nghỉ hưu".

Theo bà Hà, ban soạn thảo luật cần tính toán kỹ để NLĐ không thiệt thòi. Nếu được thông qua, số người rút BHXH một lần cũng sẽ giảm.

Nguyện vọng chính đáng của NLĐ

Trước đó, năm 2023, khi góp ý dự thảo luật BHXH sửa đổi, BHXH VN cũng đã đề xuất cho lao động đóng BHXH trên 30 - 35 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định (nếu có yêu cầu) mà vẫn hưởng tối đa 75%.

Theo BHXH VN, nhóm đóng vượt số năm tối đa hầu hết tham gia BHXH sớm, thời gian đóng dài nên xứng đáng được hưởng lương hưu sớm nếu có yêu cầu. Điều này còn đảm bảo công bằng giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Bởi quy định nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ hưởng hiện chỉ áp dụng với người thuộc diện tinh giản biên chế, sắp xếp lao động dôi dư, khối lực lượng vũ trang. Chính sách này chưa được áp dụng với doanh nghiệp.

Giải pháp nói trên đáp ứng được nguyện vọng của nhóm đã đóng BHXH sớm, thời gian đóng dài. BHXH VN tính toán nếu đề xuất được thông qua sẽ tác động không lớn đến cân đối quỹ hưu trí. Biện pháp cũng phù hợp với tinh thần cải cách tăng quyền lợi để lao động tham gia BHXH sớm, gắn bó lâu dài với hệ thống, giảm rút BHXH một lần.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐ VN), trong tháng 3 và tháng 4, Tổng LĐLĐ VN tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật BHXH tại phía bắc và phía nam. Có rất nhiều ý kiến đề đạt nguyện vọng lao động vượt quá 30 năm đóng BHXH mà chưa đủ tuổi về hưu được quy đổi năm đóng để về hưu sớm.

"Đây là nguyện vọng chính đáng và thiết tha của NLĐ, đặc biệt là những lao động trực tiếp sản xuất. Với công nhân lao động họ tham gia thị trường lao động từ năm 18 - 20 tuổi, bây giờ theo lộ trình tuổi nghỉ hưu tăng thêm 5 tuổi, có người sẽ phải làm việc 40 năm mới được về hưu. Với lao động trực tiếp sản xuất, sức khỏe kém không thể làm việc chờ đủ tuổi nghỉ hưu, muốn về hưu trước tuổi thì mỗi năm nghỉ sớm bị trừ đi 2%. Như vậy rất thiệt thòi cho họ".

Ủng hộ đề xuất hoán đổi thời gian đóng BHXH thừa trong lúc tuổi nghỉ hưu chưa đủ, ông Quảng cho rằng đây là nội dung mà cơ quan soạn thảo, Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi luật BHXH. "Trước đây, vấn đề này chưa được đề cập trong các chính sách, qua thực tiễn lấy ý kiến của NLĐ, họ thấy đó là bất cập. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải đưa ra xem xét, đánh giá bởi đó là nguyện vọng chính đáng của NLĐ và để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ", ông Quảng nói.

Nêu ưu tiên một số ngành nghề được hoán đổi

Đánh giá đề xuất trên rất nhân văn và hoàn toàn chính đáng, ông Nguyễn Văn Tân, Quản lý sản xuất - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden VN, Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), nêu ý kiến: "So với công chức, viên chức, NLĐ khu vực sản xuất có thời gian làm việc dài hơn, đóng BHXH lâu hơn. Việc hoán đổi năm đóng BHXH sẽ tạo sự công bằng cho những NLĐ đóng góp nhiều, có thời gian cống hiến lâu dài". Theo ông Tân, hiện nay, số NLĐ thuộc thế hệ 7X, 8X là những lớp công nhân đời đầu tại các khu công nghiệp, nếu không có những chính sách phù hợp họ sẽ bị đào thải khỏi thị trường lao động và việc rút BHXH một lần là thực tế không thể tránh khỏi.

Đồng tình với đề xuất trên, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nêu quan điểm về mặt nguyên tắc, đóng đủ năm BHXH theo quy định và đủ tuổi nghỉ hưu thì mới được nhận lương hưu. Tuy nhiên, ý kiến của NLĐ là nhu cầu chính đáng bởi đó là nhu cầu được nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc vất vả. Hơn nữa, môi trường làm việc hiện nay cũng khác xưa, áp lực hơn, mệt mỏi hơn, thậm chí là ô nhiễm hơn. "Những NLĐ đi làm sớm đóng góp sớm, sức khỏe giảm sút sớm. Theo tôi nên phân loại để có thể hoán đổi cho NLĐ được nghỉ hưu sớm hoặc có thể quy định một số ngành nghề được phép hoán đổi như công nhân trực tiếp sản xuất được tiếp cận lương hưu", ông Huế nêu ý kiến.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng đây là bài toán khó bởi việc hoán đổi năm đóng BHXH sẽ ảnh hưởng tới Quỹ BHXH. Cạnh đó, NLĐ về hưu sớm, lương hưu thấp cuộc sống khó đảm bảo cho những năm về sau, nhất là khi đau ốm, bệnh tật tuổi già. NLĐ chỉ nên về hưu khi không còn đủ khả năng lao động.

Tham gia BHXH tự nguyện trước 2021 có thể nghỉ hưu sớm từ 2 - 5 năm

Một trong những nội dung mới được cơ quan soạn thảo bổ sung đưa vào dự thảo luật BHXH (sửa đổi) là NLĐ tham gia BHXH tự nguyện trước năm 2021 có thể nghỉ hưu sớm hơn từ 2 - 5 năm, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Cụ thể, bộ luật Lao động năm 2019 quy định từ năm 2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Chỉ những trường hợp lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc những NLĐ sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động), mới có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).

Theo quy định mới tại dự thảo, người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1.1.2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Như vậy, so với quy định hiện hành, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện trước năm 2021 sẽ được lợi hơn khi nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ hưởng 2%.